Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Cảnh báo từ khảo sát bất ngờ của một thầy giáo

- Khảo sát nhanh ở quy mô nhỏ của thầy giáo dạy toán tại Hà Tĩnh về hiểu biết của trò về các kỹ năng sống đưa ra một lát cắt đáng suy ngẫm về giáo dục.
 “Mình thử làm một điều tra "xã hội học" nhỏ về học sinh một lớp chọn 12 của trường", thầy Trần Đình Trợ, giáo viên dạy Toán trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh) chia sẻ.
thầy giáo, cảnh tỉnh, điều tra, bất ngờ, kĩ năng sống
Thầy giáo Trần Đình Trợ.
1. Có 45/45 em đi học bằng xe đạp. Trong đó: Có 3 em phân biệt được líp và đĩa, có 10 em phân biệt được săm và lốp. Và không có em nào biết sửa xe.
2. Có 41/45 em, thường đi qua sông suối. Trong đó, chỉ có 4 em biết bơi, kiểu bơi "chó ngoi nác lụt" (Chó ngoi nước lụt - PV). Số còn lại, chỉ biết lặn, kiểu lặn "xuống nước, ba ngày sau mới nổi".
3. Có 45/45 em thường xuyên ăn cơm. Trong đó chỉ có 15 em biết nấu cơm, nhưng trong 15 em biết nấu thì chỉ có 5 em thường xuyên nấu cơm cho gia đình. Có 17/45 em thỉnh thoảng có rửa bát.
4. Có 45/45 em nhớ sinh nhật của 3 người bạn thân trở lên. Trong đó, chỉ có 4 em là nhớ ngày sinh của bố mẹ mình.
5. Có 45/45 em đọc sách, (nhưng là đọc các sách giáo khoa). Trong đó có 5 em có đọc sách truyện, nhưng lại bị bố mẹ cấm đoán, phải đọc lén. Có 2 em đã đăng kí mượn sách thường xuyên tại tủ sách miễn phí của thầy Trợ, nhưng sau khi bị bố mẹ phát hiện, lại xin thôi.
6. Có 45/45 em thường xuyên đi học thêm. Có 45/45 em có khả năng vào ĐH và 45/45 em mong muốn trở thành cán bộ nhà nước.
Chắc các em sẽ toại nguyện.”
Lời cảnh tỉnh
Trao đổi với VietNamNet, thầy Trợ chia sẻ thêm: Hiện nay phụ huynh muốn dành hết thời gian cho con học. Thậm chí, học sinh lớp 12 bố mẹ vẫn phải đưa đi đón về vì lo con sa vào những cám dỗ khác. Khi mà các địa điểm như sân bóng, ao hồ, bãi cỏ để các em vui chơi dần bị thu hẹp, thì các nhà hàng, quán nét, hay thậm chí là nhà nghỉ lại trở thành nơi lui tới của nhiều học sinh.
Tại trường, các thầy cô và nhà trường chạy theo bệnh thành tích và vì vụ lợi muốn có tiền dạy thêm nên tìm mọi cách nhồi kiến thức cho học sinh. Điều này đã “cướp” mất gần như toàn bộ thời gian vui chơi, thời gian sống với xã hội, sống với gia đình của các em.
Thầy Trợ chia sẻ một câu chuyện nhỏ: “Khi giáo viên chúng tôi lập tổ sách, truyện cho học sinh. Những cuốn như Chiến tranh và hòa bình, Ba người lính ngự lâm,..rất hay nhưng chính phụ huynh nhờ thầy cô không cho con mượn sách để tập trung vào học”.
Chuyện học sinh lớp 12 không hoặc chưa từng biết đến rửa bát, lau nhà, đến bộ phận của xe đạp dù đơn giản theo thầy Trợ đã không phải hiếm.
Nhà trường nhẹ kĩ năng sống, lo dạy thêm dạy văn hóa chính áp lực nhiều phía vừa chủ quan khách quan làm mất thời gian học sinh. “Ngày lễ tết, đi tảo mộ, đi nhà thờ,…nhiều ông bố bà mẹ cũng thay con đảm nhiệm. Trẻ chỉ biết đến học và học. Những quy tắc ứng xử trong gia đình, phép xã giao bình thường không ít em cũng không biết. Điều đó thật nguy hiểm” – thầy Trợ tâm sự.
Nền giáo dục lại chạy theo nhu cầu giả tạo của dân (học để thoát li lao động) bằng cách mở thêm các trường CĐ và ĐH đào tạo nhiều cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ,… mà không có công việc cho họ sau khi ra trường, sẽ dẫn đến cảnh thất nghiệp tràn lan.
Thầy Trợ nói:  “Đây thực sự là tiếng nói cảnh tỉnh đến học sinh, phụ huynh và toàn xã hội. Nền giáo dục VN đang đi lạc hướng, nặng kiến thức, nhẹ dạy kỹ năng sống”.
  • Văn Chung
Những quan niệm về giáo dục kỹ năng sống
Hồ Thị Hải Âu, người mẹ có con nhận học bổng toàn phần của ĐH Harvard:
Nhiều bạn trẻ thường hỏi hoặc chia sẻ về các kỹ năng sống tự lập, như việc con mình thành thạo các kỹ năng sống tự lập như mua bán, mặc cả, tính toán, v.v…thiên về những đầu việc cụ thể, tỉ mỉ, hằng ngày. Những kỹ năng đó thực ra là bản năng sinh tồn. Cha mẹ quá chú trọng dạy con như thế, mà quên đi điều cốt lõi là dạy chúng biết kết nối với chung quanh, biết nỗ lực sống, yêu thương và bác ái, thì ngầm bên trong, bạn đang cô lập con cái, bằng cách khiến chúng ngầm chứng minh “ta có thể tự làm được nhiều thứ, ta có thể tự “xoay xở ngon lành” và không cần nhờ ai”. Đó là thái độ sinh tồn đầy lo lắng, tạo một xã hội hoài nghi, căng thẳng thiếu chân thành. Tôi dạy con hãy biết phân biệt tốt/xấu, và biết sống chân thành cởi mở, thiện ý, khiêm nhường với chung quanh.
GS Nguyễn Tiến Dũng, Trường ĐH Toulouse (Pháp) kể lại câu chuyện nhà khoa học Laurent Lafforgue báo động về sự sa sút của giáo dục Pháp. Ông Lafforgue đưa ra như xu hướng cực đoan coi trọng kỹ năng hơn kiến thức, xu hướng “thù địch” với hai môn toán và văn...

Trò chuyện với người mẹ có con trúng tuyển Harvard

- Một cuộc "tám chuyện" trong quán cà phê với bà mẹ Hồ Thị Hải Âu nhân ngày của mẹ (11/5). Chị Hải Âu có cô con gái Minh Khuê vừa đạt thành công bước đầu trên con đường học vấn, trúng tuyển vào ĐH Harvard với học bổng toàn phần.

Khép mắt, mở nội lực
Chào chị. Những ngày này hẳn là chị bận rộn lắm. Vừa ngồi với chị một lát mà điện thoại liên tục reo chuông thế kia...
- Những ngày này, mình hay thức có khi đến 2 - 3 giờ sáng. Trên Facebook, mình gặp lại nhiều bạn cũ, nhận được câu hỏi của các phụ huynh, đặc biệt các bà mẹ trẻ, rồi điện thoại hỏi thăm, chúc mừng…
Một cảm hứng mình nhận được nhiều nhất từ bạn bè là tự hào, hãnh diện chung cho ý chí và tuổi trẻ Việt Nam. Điều này khiến mình vô cùng xúc động, có khi ngồi khóc.

Harvard, trúng tuyển, học bổng
Chị Hồ Thị Hải Âu: "Mỗi chúng ta đang đứng nơi chân mình đứng, chứ không phải đứng một nơi nào khác".
Mình thầm nghĩ, tình yêu nước đâu cứ phải đăng đàn hay hô hào những điều to tát, hãy cần mẫn bền bỉ ươm trồng những mầm non khỏe mạnh, cũng là cách thể hiện đầy trách nhiệm trước non sông!
Tuy nhiên, chuyện Minh Khuê có học bổng toàn phần vào ĐH Harvard hẳn nhiên là vui rồi…nhưng mình lại có phần lo lắng vì e là điều đó có thể gây chút áp lực, bất ổn trong tâm lý một số cha mẹ cũng đang trên hành trình với con cái.
- Bất ổn sao, thưa chị?
Mình rất thấu hiểu một nhận biết thế này, không có một chiến lược hay triết lý giáo dục nào là hoàn hảo cho tất cả mọi người, vì mỗi cá thể là một tiểu vũ trụ rất bao la…
Vì thế, quan điểm giáo dục của mình dành cho con gái, trải nghiệm của hai mẹ con mình trên hành trình ấy, chỉ nên được coi như một tham chiếu chứ không phải là một “khuôn mẫu” nào cả, vì mỗi chúng ta đang đứng nơi chân mình đứng, chứ không phải đứng một nơi nào khác.
Nếu mọi người đọc và tiếp nhận những chia sẻ của mình theo hướng này, thì tất nhiên sẽ là rất đẹp đẽ, không có sự bất ổn nào cả. Mình rất mong như thế.
- Cách đây cũng non chục năm rồi, trên webtretho, các bà mẹ đã thảo luận sôi nổi chuyện "du học từ trong bụng mẹ". Còn nhà văn Dạ Ngân từng có bài viết về "tị nạn du học"; bà nói các em còn đi nữa, đi mãi...
- Xã hội chúng ta sống đang chịu sức ép của nghệ thuật quảng cáo, truyền thông.
Đôi lần, có bạn trẻ khi trò chuyện với mình đã buột miệng nói "ước gì cháu được làm con cô", hay “ước gì cô làm mẹ cháu”….Tuy lời nói buột ra vô tình, nhưng điều đó khiến mình giật mình.
Người mẹ Việt Nam nào cũng cam con, đến mức "có thể chết thay con" đó là một phẩm chất vĩ đại.
Tuy nhiên, sự buột miệng của một vài bạn trẻ ấy, đã cho mình manh mối để cảm nhận một vấn để, rằng: cách thể hiện tình yêu của người mẹ với con cái dường như chưa hiệu quả. Tình yêu giữa con và mẹ; giữa mẹ và con tuy hiện hữu, hết lòng, nỗ lực… nhưng đã không kết nối, hài hòa được với nhau.

Harvard, trúng tuyển, học bổng
Hai mẹ con Hải Âu - Minh Khuê
Những người mẹ đã tận tụy với nhiều sức lực vì đứa con thân yêu của mình nhưng đứa con đã không cảm nhận được tình yêu thương, mà bị lôi kéo, hướng ra bên ngoài, kỳ vọng vào những cảm xúc bên ngoài.
“Hướng ra bên ngoài” là nhân tố chính tạo ra trạng thái tâm lý “thần tượng”. Trong gia đình mình và trong quan điểm giáo dục con, mình không dung dưỡng “cảm xúc thần tượng” đó , mình sẽ rất buồn nếu (giả định) con gái mình nói: “Mẹ ơi, mẹ là thần tượng của con”.
- Vậy thì, làm sao để câu chuyện của chị không gây ra bất ổn, trong khi chỉ cần bước chân ra khỏi quán café này thôi, chúng ta đã nhìn thấy đầy rẫy đua tranh?
Mình thường nói với Minh Khuê về câu chuyện của hạt mầm.
Mầm của hạt sồi sẽ nẩy cây sồi, mầm cây lau sẽ nẩy thành cây lau, xã hội sẽ nhạt tẻ nếu chỉ toàn rừng sồi mà chẳng có lau. Trịnh Công Sơn có câu hát rất bác ái và đẹp đẽ thế này: “Thân mong manh như lau sậy hiền”, biểu dụ cho sự khiêm nhường đầy nhận biết hiền triết và thuần hậu.
Nhưng dù là mầm lau hay mầm sồi, hãy nảy nở tràn đầy để thành những cây lau, sồi khỏe khoắn, tràn đầy nhất.
Phẩm chất quý giá nhất của hạt mầm là nội lực.
Trong quá trình đồng hành cùng con cái, có một công cụ mà các bậc cha mẹ thường hay sử dụng đó là so sánh: Sao con không ngoan như bạn ấy, sao con không đạt điểm cao như bạn ấy, v,v,... mà quên đi rằng khi bạn dùng công cụ so sánh (theo cách bạn muốn) thì đứa trẻ cũng sẽ sử dụng công cụ đó theo cách nó muốn: Sao bố/mẹ không như bố mẹ bạn ấy; sao bố/mẹ không là người thành đạt như bố/mẹ bạn ấy, v.v...
Về lâu dài và rất tinh vi, việc so sánh chính là nguyên nhân làm nguyên khí của đứa trẻ bị tổn hao, thất thoát trong quá trình bảo vệ cái "tôi" luôn thường trực nguy cơ bị tổn thương trong ngàn ngàn phép so sánh; và hơn thế nữa, sẽ nuôi dưỡng dần lớn lên ở đứa trẻ tính tật đố với chung quanh, cảm giác bất ổn trong nội tâm và tự ti cố hữu.
Nhưng làm sao để khỏi so sánh không là chuyện dễ. Bạn phải dọn dẹp lòng mình thành trong sáng, nhỏ bé, khiêm nhường...và khép mắt lại..thì bỗng nhiên mọi quan sát mở rộng, mênh mông thuần hậu và bản thể trở nên mạnh mẽ vô cùng.
Trưởng thành bằng nội lực vốn có của bản thể sẽ thảnh thơi và đẹp đẽ mà không mắc dính vào sân hận, đố kỵ, hay cảm giác tự ti sâu thẳm...ngày ngày làm mòn mỏi tâm hồn ta.
Một tâm hồn mệt mỏi làm sao có hạnh phúc? Cha mẹ không hạnh phúc, sao muốn con có được điều đó.
Tình yêu tỉnh thức và sáng suốt
Một phụ nữ từng viết văn, nhạy cảm, "hồng nhan đa chuyên" như chị kiến tạo hạnh phúc như thế nào để truyền lại cảm nhận về hạnh phúc cho con?
- Phải định nghĩa hạnh phúc là gì, bạn mới cảm nhận được hạnh phúc.
Lep Tolstoi, nhà văn lớn của Nga quan niệm: “Hạnh phúc không phải là thành quả khi về đích mà là cảm nhận trên hành trình”.
Ai cũng có một cuộc hành trình của riêng mình. Mình đã có những trải nghiệm với tất cả sự tràn đầy ở đó.
Hành trình 18 năm của chị đầy gian truân, bền bỉ, mồ hôi và nước mắt cũng là niềm vui. Sắp tới Khuê đi học xa rồi, có để lại nỗi buồn cho mẹ không?
- Mình thấy cha mẹ thường có quan niệm về con cái như một sự “mặc cả”.

Harvard, trúng tuyển, học bổng
Chị Hồ Thị Hải Âu: “Nếu thực sự là một tình yêu lớn lao và tràn đầy, một ngày nào đó, con phải để tình yêu của mình bay đi, vì bầu trời là khát khao và hạnh phúc của tình yêu cho dù điều ấy có làm con đau khổ..”
Ta mặc cả quá khứ là "trả ơn nghĩa" con phải yêu thương mẹ; còn "mặc cả tương lai" là "con là chỗ dựa khi về già".
Đứa trẻ rất sớm biết mặc cả. Đứa trẻ cay đắng khi sinh ra đã phải mang gánh nặng "bảo hành cho tuổi già của cha mẹ". Đứa trẻ cay đắng, xã hội cay đắng.Nó không cảm nhận được hạnh phúc từ tâm thức "mặc cả" đó của cha mẹ.
Hơn 12 năm về trước, trong nhật ký, mình đã viết về chú chim non mang tên “Tình yêu”, thường hằng , mình tự đọc lại, tự quán sát và tịnh tâm để nhận thức sâu sắc rằng, tình yêu đích thực là tình yêu của đại bàng mẹ, huấn luyện cho đại bàng con biết bay, biết yêu bầu trời, để rồi trả nó về với bầu trời của nó. Mình và con gái Minh Khuê sống trong nguồn cảm hứng đại bàng con ấy, suốt mười mấy năm rồi. Và câu chuyện về con chim mang tên “Tình yêu” mình cũng kể cho Khuê nghe rất nhiều lần:
Dù đã nuôi nấng chú chim non lạc tổ cho đến khi đủ lông đủ cánh, nhưng vì quá lưu luyến mà bạn muốn đan lồng để nhốt chú, giữ nó lại với mình thì đó có phải là tình yêu?
Câu kết trong câu chuyện mình viết cho con là thế này: “Nếu thực sự là một tình yêu lớn lao và tràn đầy, một ngày nào đó, con phải để tình yêu của mình bay đi, vì bầu trời là khát khao và hạnh phúc của tình yêu cho dù điều ấy có làm con đau khổ..”
Chia sẻ của chị làm tôi nhớ đến quan niệm về tình yêu con cái của bà mẹ người Do Thái trong cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương”, dường như có sự tương đồng. Bà nói, trong tình yêu thường có xu hướng hướng tới sự gắn kết, sống mãi bên nhau; riêng tình yêu với con cái tỉnh thức và sáng suốt thì hướng tới sự phân ly. Chị “” vô cùng yêu thương” con với tinh thần tràn đầy như vậy, thế còn cái vế “vô cùng tàn nhẫn”? Có khi nào chị đánh con?
- Trong hành trình trưởng thành cùng con cái, không người cha mẹ nào chưa từng tét đít con. Cũng có lúc mình quát mắng, gặp sai lầm, áp đặt sai trái trong đánh giá về con chứ.
Những lúc đó, thì mình xử trí thế nào?
Trước tiên, mình nhìn vào mắt con và thành thật xin lỗi: Mẹ xin lỗi con vì mẹ đã mất kiểm soát. Hãy nghĩ về mẹ như một người bình thường, khi cơn giận đến mẹ đã đánh mất bản thân mình. Giọt nước làm tràn ly, có đôi chút hình ảnh đẹp đẽ về mẹ đã bị mất mát trong mắt con theo cơn tức giận, nhưng mẹ sẽ làm nó tràn đầy trở lại. Hãy tin cậy và hãy thành thật, con yêu!
Thường thì sau đó, chúng mình tha thứ cho nhau, nhìn nhận lại bản thân và nhẹ nhõm nhận về phần lỗi của mình. Niềm tin cậy vì thế được bồi đắp theo năm tháng, không chỉ bởi những phút hài lòng bên nhau, mà ngay cả những xung đột cũng lay động và tràn đầy xúc động qua cách sửa lỗi và ứng xử của mình và con gái sau khi cơn giận qua đi.
Hạnh phúc "sống với người dưng"
Những chia sẻ của chị về dạy con đã nhận được nhiều đồng cảm, đồng tình. Một bạn đọc có bình luận: Dạy con được như chị vì có thể thống nhất được quan điểm xuyên suốt, cứ thử cả 2 vợ chồng, mỗi người một quan điểm, riêng chuyện thống nhất được với nhau đã không dễ, nữa là…
- Mình rất hiểu và chia sẻ với cách nhìn của bạn đọc ấy, của một độc giả nam (cười); thoáng qua nghĩ là “chê bai” nhưng hàm ý khá sâu sắc đấy.
Mình cũng thấu hiểu sự lúng túng của những người mẹ trẻ hiện nay, làm sao để nuôi con tốt, lại vừa giữ chồng như ý.
Nuôi dưỡng được một đứa con “phát huy hết tiềm năng, tố chất” trong xã hội bây giờ không phải là điều đơn giản.
Câu chuyện của cầu thủ Văn Quyến là một ví dụ. Khi là “ngôi sao sáng” thì cả xã hội tung hô. Tới lúc “phạm lỗi” thì xã hội “ném đá”. Quyến bước ra hào quang và thoát khỏi búa rìu thế nào – với một người mẹ chất phác như mẹ Quyến quả là quá sức, nhưng mình lại quan tâm đến tình yêu giản dị, không lấp lánh hào quang của bà dành cho con trai mình bất kể thời khắc nào…và mình xúc động thật thà.
Một điều cũng khá phổ biến là nhiều ông bố bà mẹ dạy con những "mặc định xã hội". Mà những thứ này do bố mẹ truyền lại cảm xúc, tích tụ dần sẽ tạo thêm sự bất ổn.
Điều này không dễ nhận ra đâu nhé. Ví dụ, trong các bữa cơm hay các câu chuyện,bố mẹ truyền lại cảm xúc qua những câu nói kiểu như”công an ăn tiền” ,”giáo viên vòi vĩnh học sinh”... Càng "mặc định" bao nhiêu thì càng tỏ ra thiếu trách nhiệm cá nhân bấy nhiêu.
Đúng là xã hội có khiếm khuyết, nền giáo dục chưa đáp ứng mong mỏi của cộng đồng, điều quan trọng là bạn chọn cách ứng xử nào?
Mình nghĩ rằng “đổ lỗi cho nền giáo dục là một thái độ "thiếu trách nhiệm và phó thác cho xã hội" trong việc dạy con.
Trong các cuốn sách về giáo dục, nhà giáo dục nổi tiếng của Mỹ, John Dewey, viết rằng “giáo dục gia đình là nền tảng, cơ sở".
Mình nhớ hơn cả khi một nhà giáo dục người Đức trong cuộc trò chuyện với mình đã nói "nếu bạn đồng hành với con bạn đến lúc 18 tuổi, thì tôi đảm bảo chúng ta không phải lo lắng gì đến tương lai của chúng nữa”.
Đạo Phật có câu “đường đến Niết Bàn bắt đầu ngay dưới chân mình”.
Những câu hỏi nào chị thường gặp khi chia sẻ về "sự nghiệp nuôi con"?
- Nhiều bạn trẻ thường hỏi hoặc chia sẻ về các kỹ năng sống tự lập, như việc con mình thành thạo các kỹ năng sống tự lập như mua bán, mặc cả, tính toán, v.v…thiên về những đầu việc cụ thể, tỉ mỉ, hằng ngày.
Mình thì thấy những kỹ năng đó thực ra là bản năng sinh tồn. Cha mẹ quá chú trọng dạy con như thế, mà quên đi điều cốt lõi là dạy chúng biết kết nối với chung quanh, biết nỗ lực sống, yêu thương và bác ái, thì ngầm bên trong, bạn đang cô lập con cái, bằng cách khiến chúng ngầm chứng minh “ta có thể tự làm được nhiều thứ, ta có thể tự “xoay xở ngon lành” và không cần nhờ ai”.
Đó là thái độ sinh tồn đầy lo lắng. Có một hệ quả sâu xa hơn là tạo một xã hội hoài nghi, căng thẳng thiếu chân thành.
Người mẹ nào cũng muốn che chở, bảo vệ con mình, nhưng bằng cách nào cho hiệu quả?
Từ rất sớm, mình đọc được dự án tâm lý rất hay của một trường ĐH Mỹ : "Nếu giả định ngày mai bạn sẽ chết, bạn khao khát truyền lại điều gì cho người thân yêu nhất/cho học trò thân yêu?".
Mình đã suy ngẫm rất nhiều năm về ngụ ý sâu sắc của bức thông điệp này, và tự rút ra kết luận:
Tôi sẽ nói với con rằng, mai sau, khi con đến tuổi trưởng thành, về cơ bản, con sẽ chung sống với người dưng là chính, chứ không phải là những người thân trong gia đình - nơi con được yêu và thương vô điều kiện.
Trong cộng đồng- xã hội, đã có câu thành ngữ "Không bữa trưa nào là miễn phí" - bạn phải nỗ lực, nỗ lực và nỗ lực thường xuyên, và thành quả sẽ đến, khi đủ chín muồi.
Vì thế, chỉ có một cách để dạy con hạnh phúc, là hãy biết phân biệt tốt/xấu, và biết sống chân thành cởi mở, thiện ý, khiêm nhường với chung quanh.
Chỉ với một thiện ý đẹp đẽ ấy, con sẽ truyền cảm hứng tràn đầy thương mến đến mọi người.
Và trong một tập thể như thế, thì bao dung, khích lệ sẽ cộng hưởng với tài năng và lao động chăm chỉ, để làm nên thành công đầy xúc động.
Nói với con về lòng yêu nước
Minh Khuê sắp đi Mỹ với ước mơ trở thành nhà ngoại giao. Trong lúc chúng ta đang ngồi trò chuyện ở quán cà phê này, ngoài khơi Trung Quốc đang lắp giàn khoan ở thềm lục địa Việt Nam. Chị dạy con về lòng yêu nước ra sao?
- Những ngày này, chúng ta hay nghe, nói về/nhắc lại và hướng tới tinh thần Bạch Đằng, Đống Đa. Mình thì thích nhắc đến tinh thần của cụ Phan Châu Trinh hơn.

Harvard, trúng tuyển, học bổng
Lã Hồ Minh Khuê, con gái  chị Hải Âu
Dạy con về lòng yêu nước ư? Nói điều này có to tát không nhỉ.
Trong hồi ký của mình, phi hành gia người Nga Aleksandre Aleksandrov đã thốt lên: “Sau khi phi thuyền của chúng tôi bay ngang qua nước Mỹ, tắm mình trong cơn mưa tuyết sáng chói, tôi bỗng nhận ra rằng, tất cả chúng ta đều là con của Mẹ Trái Đất, dù cho bạn nhìn thấy đất nước nào cũng không quan trọng…Và, chúng ta hãy đối xử với Trái Đất như với Mẹ của chúng ta..”.
Tất nhiên, trong một thời đại tràn đầy cảm hứng toàn cầu, hòa đàm, kết nối thì những công dân toàn cầu nếu muốn thành công nhất định phải là người dấn thân đồng hành để có cái riêng từ nguồn cội quê hương, đất nước, mang tới thế giới để gia nhập vào trái đất nhỏ bé: “Hãy đi cùng dân tộc, bạn sẽ gặp nhân loại”, như câu nói của Belinxky – nhà phê bình nghệ thuật vĩ đại Nga thế kỷ 20.
Mình để con gạn đục khơi trong qua những trải nghiệm để trưởng thành với môi trường, văn hóa Việt Nam.
Mình nói chuyện với con, có những quốc gia, vùng lãnh thổ nhỏ bé nhưng các nước lớn không thể xâm hại hay “bắt nạt”, bởi họ đã xây dựng cho mình nội lực mạnh.
Một người bé nhỏ, nội lực mạnh, mang gương mặt Việt Nam đi ra thế giới có lẽ là điều mà mình mong muốn ở con gái.
Chia sẻ của chị làm tôi nhớ đến một bài viết của người bạn trên Facebook trong ngày hôm nay (10/5). Anh viết:
Bị ngoại xâm và chiến thắng ngoại xâm - đó là định mệnh của Việt Nam.
Chúng ta thích cái định mệnh đó hay muốn thay đổi nó?
Nếu thích nó thì rất dễ. Hãy cứ sống như chúng ta đã và đang sống, chắc chắn lịch sử đã và sẽ lặp lại. Chúng ta sẽ có những chiến thắng vang dội năm châu và những vị tướng lừng danh thế giới.
Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ có những nhà kinh doanh giỏi, những nhà khoa học giỏi, những nhà văn hoá, nghệ thuật giỏi, có ảnh hưởng với thế giới. Họ không thể xuất hiện ở một đất nước luôn luôn có nguy cơ bị xâm lược và triền miên đánh giặc ngoại xâm. Việt Nam sẽ không bao giờ giàu có, hiện đại và văn minh.
Nếu muốn thay đổi cái định mệnh nghìn năm, không có cách nào khác là bắt đầu từ một nền giáo dục mới để tạo dựng những thế hệ người Việt mới.
Những thế hệ người Việt mới sẽ nghĩ rất khác chúng ta hiện nay.
Họ sẽ biết cách làm sao để "quân Nguyên" chẳng bao giờ dám nghĩ tới việc xâm lược một Việt Nam giàu mạnh về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hoá, nghệ thuật và kéo theo là sức mạnh quân sự và ảnh hưởng của Việt Nam với thế giới.
Với tất cả sự kính trọng đối với cha ông, mình nghĩ rằng để thay đổi định mệnh của dân tộc thì nhiều khi phải dám nghĩ và làm khác cha ông.
Và điều đó chỉ có thể làm được thông qua giáo dục.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.
"Ngày của Mẹ" (Mother's Day) được khởi xướng ở Mỹ (ngày viết bản "tuyên ngôn Hiền Mẫu" năm 1870), đa số các quốc gia trên thế giới chọn vào ngày Chủ Nhật thứ hai của tháng 5. Một số nước khác cũng có các ngày lễ tương tự nhưng tổ chức vào thời gian khác.
  • Hạ Anh (thực hiện)

Báo động sự sa sút của giáo dục Pháp

- Lời tòa soạn: Trong bài viết dưới đây, GS Nguyễn Tiến Dũng (ĐH Toulouse) kể lại câu chuyện nhà khoa học Laurent Lafforgue  báo động về sự sa sút của giáo dục Pháp.
Laurent Lafforgue - giải thưởng Fields năm 2002 - đã dành nhiều thời gian tìm hiểu nguyên nhân, và đã đưa ra các kết luận "trời giáng", hay nói chính xác hơn là một “bản án”, đổ lên đầu các quan chức giáo dục,khiến cho người ta “sợ” đến nỗi ép ông phải từ chức khỏi Hội đồng giáo dục chỉ sau ít hôm ngồi trong đó “do bất đồng tư tưởng”.
Dưới đây là bài viết của GS Nguyễn Tiến Dũng.
Pháp, học sinh, Laurent Lafforgue, Fields
Tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông theo học các môn khoa học tự nhiên ở bậc đại học trong thập kỷ qua ở Pháp bị giảm trầm trọng, chỉ còn bằng khoảng 1/3 so với hồi năm 2000. (Ảnh: Lingua Service)
Tôi thỉnh thoảng có giới thiệu về hệ thống giáo dục Pháp, trong đó có nhiều điểm tiến bộ đáng để Việt Nam học tập. Một số bạn đọc có thể hiểu lầm tôi cho rằng hệ thống của Pháp là hoàn hảo. Thực ra, chẳng có hệ thống nào hoàn hảo. Tuy rằng Việt Nam cần phải trải qua mấy thế hệ nữa và phải đi đúng hướng mới hy vọng đạt được trình độ giáo dục như Pháp hiện tại, nhưng bản thân hệ thống giáo dục của Pháp cũng có những vấn đề nan giải.
Một trong các vấn đề đó là, sự chuẩn bị kiến thức khoa học tự nhiên cho học sinh phổ thông trong mấy thập kỷ qua không những không tiến bộ lên mà có vẻ ngày càng thụt lùi đi.
Có thể nhận thấy rõ ràng điều đó qua một số ví dụ sau.
Đề thi tốt nghiệp phổ thông môn toán năm 2014 bị kêu là quá khó (thành cả một sự kiện đăng trên các báo).
Tuy nhiên, theo chính các giáo viên phổ thông thì đề thi này hoàn toàn nằm trong chương trình, và so với các đề thi cách đây 10 - 20 năm thì không hề khó hơn. Chỉ có điều, trình độ của học sinh bị yếu đi khiến cho người ra đề những năm trước cũng có xu hướng ra đề dễ hơn, khi quay trở lại mức như cũ thì bị kêu là quá khó.
Tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông theo học các môn khoa học tự nhiên ở bậc đại học trong thập kỷ qua bị giảm trầm trọng, chỉ còn bằng khoảng 1/3 so với hồi năm 2000.
Kiến thức chuẩn bị về toán của các sinh viên theo học các trường kỹ sư hay các khoa tự nhiên ở các đại học tổng hợp cũng giảm đi so với trước, khiến các giáo sư rất lo lắng và cũng phải điều chỉnh chương trình học xuống thấp theo cho sinh viên còn theo kịp.
Các trường elite (tinh hoa) nhất ở Pháp như Ecole Normale Supérieure (ENS) thì có thể vẫn giữ được mức trình độ, tuy nhiên có thay đổi về cấu trúc sinh viên.
Theo nhận xét của GS Laurent Lafforgue (giải thưởng Fields năm 2002), nếu như cách đây 20 - 30 năm, thời bản thân ông còn đi học, sinh viên vào học ENS gồm đủ thành phần (kể cả những gia đình khiêm tốn, trong đó có gia đình Lafforgue), thì ngày nay, hầu hết sinh viên ở đó là con nhà của các gia đình trí thức lớn hay rất khá giả, với phần lớn phụ huynh là giáo sư đại học.
Lý do, theo ông Lafforgue, là do việc dạy khoa học ở trường không còn được tốt như trước, nên phải là con nhà của những gia đình nào đó mới có điều kiện trau dồi thêm kiến thức để thi đấu lọt vào ENS, chứ hệ thống giáo dục hiện tại đã đang làm mất đi sự “bình đẳng về cơ hội”.
Pháp, học sinh, Laurent Lafforgue, Fields
Giáo sư Laurent Lafforgue được nhận giải thưởng Fields năm 2002.
Sự suy sút về khoa học của các học sinh, sinh viên Pháp là một điềm rất xấu cho nền kinh tế của Pháp trong tương lai. Bởi lẽ, ngày nay, sự phát triển về khoa học và công nghệ là động lực chính cho sự phát triển về kinh tế trên thế giới. Nếu thiếu người giỏi về khoa học và công nghệ, thiếu đầu tư thích đáng, thì sức cạnh tranh củaPháp trên thế giới sẽ kém dần đi. Các nhà kinh tế cũng đã dự đoán rằng, chỉ trong vòng 15-20 năm nữa, Hàn Quốc (là một nước đang rất chú trọng đầu tư vào khoa học và công nghệ, với tỷ lệ GDP chi cho nghiên cứu và phát triển trên 4%/năm) sẽ có bình quân thu nhập đầu người vượt Pháp.
Vì sao nên nỗi?
Ông Lafforgue, sau khi được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, và có một thời gian ngắn năm 2005 được mời vào Hội đồng giáo dục (Haut Conseil de l’Education), đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về “vấn nạn” này, và đã đưa ra các kết luận “trời giáng”, như là gáo nước lạnh, hay nói chính xác hơn là một “bản án”, đổ lên đầu các quan chức giáo dục của Pháp và cả các quan chức ở viện hàn lâm, khiến cho người ta “sợ” đến nỗi ép ông phải từ chức khỏi Hội đồng giáo dục chỉ sau ít hôm ngồi trong đó “do bất đồng tư tưởng”.
Tuy Lafforgue trở thành “ác tinh” của Bộ Giáo dục, nhưng được rất nhiều người ủng hộ, trong đó có các viện sĩ khác của Pháp như Alain Connes, Jean-Pierre Demailly, … Ông đã cùng các đồng sự viết cả một quyển sách sau vào năm 2007 để phân tích về sự suy sút (mà ông gọi là “délabrement” hay “débacle”) của nền giáo dục Pháp (cuốn sách có tên "Sự “tan vỡ” của trường học: một bi kịch không được thấu hiểu").
Ngoài ra, ông còn trả lời phỏng vấn báo chí, viết nhiều bài báo về vấn đề giáo dục, và có dành cả một trang về giáo dục trên trang web cá nhân ở viện IHES (http://www.ihes.fr/~lafforgue/education.html).
Một trong các nguyên nhân chủ chốt mà Lafforgue đưa ra để giải thích tình trạng suy sút của nền giáo dục Pháp chính là lý thuyết “constructivisme” của tác giả Jean Piaget khi được các nhà chức trách ép sử dụng đã phá hoại hệ thống giáo dục.
Theo khái niệm “constructivisme” (tên mĩ miều là “chủ nghĩa xây dựng”), thì thầy giáo mất dần vai trò “truyền đạt kiến thức”, biến thành vai trò “hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu phám phá ra kiến thức”. Người ta quá chú trọng khía cạnh “tìm tòi sáng tạo” mà coi nhẹ khía cạnh “truyền đạt, luyện tập, tiếp thu bằng cách bắt chước làm theo”, dẫn đến hậu quả là học sinh bị hổng kiến thức, thiếu nền tảng, và những kiến thức đơn giản nay bỗng biến thành phức tạp.
Không chỉ môn toán, các môn khác cũng hứng chịu hậu quả nghiêm trong của chủ thuyết của Piaget - người một thời được nhiều nơi tung hô như là một nhà cải cách giáo dục lớn. Sau đây là một số ví dụ về tai hại của “constructivisme” mà Lafforgue đưa ra:
- Trong môn tiếng Pháp, thay vì dạy chia động từ như ngày xưa, với chủ thuyết “constructivisme” người ta bắt học sinh “quan sát những sự thay đổi trong dạng động từ”. Hệ quả: một tỷ lệ khá lớn học sinh Pháp đến khi vào đại học cũng không biết chia động từ cho đúng.
- Trong môn lịch sử, kiến thức trang bị cho học sinh thì hạn chế, nhưng đòi hỏi học sinh bình luận về các tài liệu như thể học sinh là nhà sử học. Kết quả là các “bình luận tư do” đó thực ra là các câu giáo điều đã được viết trước (bởi học sinh có biết gì đâu để mà bình luận). Môn lịch sử được dạy hời hợt đến mức học sinh lẫn lộn về thứ tự thời gian (chronology) của các sự kiện, kể cả các học sinh “khá” PTTH cũng không biết Napoleon và Louis XIV ai sinh trước ai sinh sau.
Trẻ con học một cách tự nhiên là phải học những cái cơ sở, cơ bản, cụ thể trước, rồi dựa vào đó lên cao dần, trừu tượng hoá dần thành các khái niệm phức tạp hơn. Nhưng đi theo “constructivisme” thì người ta làm ngược lại: trừu tượng cao siêu, mà rỗng ruột.
Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác mà Lafforgue đưa ra như xu hướng cực đoan coi trọng kỹ năng hơn kiến thức, xu hướng “thù địch” với hai môn toán và văn...
  • GS Nguyễn Tiến Dũng(GS Trường ĐH Toulouse)

Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Nếu muốn thành công, hãy dạy con bạn cách kể chuyện

Bạn đã bao giờ tự hỏi: Tại sao những người thành công, giữ vị trí cao trong xã hội và giàu có lại thường là những người rất hay kể chuyện? Hay những người giao dịch giỏi, làm việc thuận lợi, dễ làm thân và lấy được cảm tình của người khác cũng là những người hay kể chuyện? Phải chăng đó là sự tình cờ?

Cách đây 5 năm, khi được Công ty tư vấn Accenture mời làm tư vấn viên cao cấp tại New York, tôi có hẹn phỏng vấn với Phó tổng giám đốc Timothy Mould vào lúc 16h tại trụ sở công ty trên Đại lộ Americas. Ông Mould, phó tổng giám đốc phụ trách mảng khách hàng nhà nước, bước vào phòng vội vã một tai kéo vali và tay kia ôm máy tính.
thành công, cách kể chuyện
Đạt được thành tựu về học vấn sẽ tạo đà cho thành công. Ảnh: Hạ Anh
Ông chào tôi và nói rằng "Chúng ta nói chuyện nhanh nhé, tôi cóvài câu hỏi chị rồi tôi phải ra sân bay lúc 16h25."
Tôi gật đầu nhìn ông mỉm cười và nói: “Tất nhiên rồi ạ, lúc nào phải đi ông cứ nói.”
Chúng tôi bắt đầu bằng những câu trao đổi bình thường về sơ yếu lý lịch, bằng cấp và chuyên ngành. Nhưng khi ông chuyển sang hỏi về kinh nghiệm, thì tôi nhận ra rằng mình có thể tiếp tục liệt kê các vị trí cũ của mình hay… mình có thể làm cho buổi phỏng vấn hay hơn.
Tôi bắt đầu kể cho ông nghe việc thành phố New York – nơi tôi làm việc trước đó –định giá bất động sản ra sao, một năm thu bao nhiêu thuế và bao nhiêu người được lợi tiền thuế vì nhà nước tính sai giá trị tài sản của họ. Tôi nói về các cách chúng tôi kiểm soát việc định giá và tăng doanh thu cho thành phố như thế nào.
Ông Mould ngồi nghe thích thú, hỏi tôi rất nhiều về mảng này và quên mất luôn cả danh sách câu hỏi mà ông nói đến ban đầu. Khi nhìn kim đồng hồ chỉ 16h40, ông bắt tay tôi và nói: “Chết tôi phải đi. Tối nay tôi sẽ gửi bạn mức lương đề xuất.Khi nào bạn có thể bắt đầu?” Tôi biết là tôi đã thuyết phục được ông.
Tại sao tôi lại kể với mọi người câu chuyện này? Tôi làm việc với học sinh cấp 2, cấp 3 và phụ huynh hàng ngày, giúp các gia đình định hướng cho con về học tập và nghề nghiệp.
Một trong những mong ước mà phụ huynh chia sẻ với tôi nhiều nhất là muốn con mình: 1) biết sở thích, hứng thú của mình; 2) có chính kiến riêng; và 3) biết cách trình bày bản thân.
Mong muốn này của phụ huynh rất chính đáng. Khi các con có những khả năng trên, nghĩa là con đã tư duy chín chắn và có kỹ năng giao tiếp của một người trưởng thành.
Tuy nhiên, khi phụ huynh muốn tôi giúp các cháu phát triển kỹ năng này ở tuổi 17-18, thì tôi biết là phụ huynh đang chữa cháy. Ở tuổi đó, các cháu đã bắt đầu phải ra ngoài đời thuyết phục người khác và tạo cho mình các“đồng minh” rồi. Vì thế, chúng cần được hướng dẫn làm việc này từ sớm hơn rất nhiều.
Trong những em học sinh mà tôi được dạy, những em thành công cao là nhưng em không chỉ học tập tốt, mà còn có tư duy mạch lạc, nói năng lưu loát, biết cách giao tiếp với người lớn, biết viết thư trao đổi rất chuyên nghiệp, và cuối cùng là biết… chia sẻ, thảo luận về mình.
Để giúp các con đạt được kết quả cao trong cuộc sống sau này, ngoài việc đầu tư vào học hành, một việc rất quan trọng tôi cho rằng phụ huynh nên làm là giúp con mình phát triển kỹ năng giao tiếp và đặc biệt là cách kể chuyện. Và nên bắt đầu tư khi các em còn nhỏ.
Kỹ năng kể chuyện là một trong những kỹ năng được phát triển sớm và rộng rãi trong trẻ em ở Mỹ. Các em đi học từ nhỏ đã được viết bài về mình, đứng trước lớp kể lại cho các bạn nghe, và nhận phải hồi của thầy cô. Các em không chỉ được dạy cách kể về mình thế nào để gây ấn tượng cho người nghe mà còn được nghe người khác kể về họ để học tập.
Ở Mỹ bạn không đi đâu là không gặp người kể chuyện (story tellers), từ chính trị gia tranh cử tổng thống cho tới siêu sao lên nhận giải Oscar cho tới các bạn học sinh cấp 3 phát biểu tại lễ nhận bằng.... ai cũng có một câu chuyện để bắt đầu.
Theo Andrew Stanton, người đã từng làm ra những phim hoạt hình nổi tiếng như WALL-E, Finding Nemo và Toy Story, “không có gì đưa con người lại gần nhau hơn hơn là các câu chuyện vì chúng cho ta cơ hội được chia sẻ cảm xúc với ngườicó cùng trải nghiệm.”
Khi học cách kể chuyện các con phát triển rất nhiều kỹ năng khác không kém phần quan trọng như quan sát, cảm nhận, phân tích, đánh giá, chọn lọc, bố cục, trình bày, truyền cảm xúc và thông tin, phân biệt cái đúng, cái sai, xác định quan điểm về giá trị đạo đức của mình, v.v.
Các con cũng phải học cách nói trước đám đông, cách thuyết phục, cách xử lý tình huống, cách đối đầu với thất vọng – rất nhiều kỹ năng “mềm” tạo nên sự phát triển của một cá nhân.
Trong mỗi câu chuyện, các con sẽ lớn dần, trưởng thành dần và trở thành những cá thể biết quan tâm đến mình và thế giới xung quanh mình. Kỹ năng kể chuyện cũng là nền tảng của kỹ năng thuyết trình.
Tôi học cách kể chuyện của người Mỹ khi tôi bắt đầu làm trợ lý phóng viên cho Hãng thông tấn AP tại Hà Nội năm 1994, sau này được đào tạo chuyên nghiệp về báo chí tại Trường Đại học tổng hợp Columbia và có cơ hội viết bài cho nhiều hãng báo quốc tế. Tuy nhiên, mỗi câu chuyện tôi vẫn thường trăn trở vì lời nói của thầy giáo văng vẳng trong tai “Bạn phải làm cho tôi chú ý, cả về tri thức lẫn cảm xúc”. Là nhà báo, tôi biết hơn ai hết điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Vì thế, khi thiết kế các khoá học tiếng Anh nâng cao cho học sinh cấp 2 và cấp 3, tôi đưa kỹ năng viết luận và tư duy phản biện vào chương trình và đề cao tầm quan trọng của những kỹ năng này vì tôi biết các em sẽ cần đến chúng trong tương khai không xa.
Bản thân tôi, sau 20 năm công tác và giữ vị trí lãnh đạo của hai tổ chức giáo dục, tôi vẫn sử dụng những kỹ năng này hàng ngày. Và mỗi lần tôi kể một câu chuyện làm người khác thấy thú vị, qua lời nói hay bài viết, tôi nhận thấy tôi cũng hiểu mình và hiểu người ngồi trước mặt mình hơn.
Sau cuộc phỏng vấn kể ở trên, ông Mould gọi điện cho tôi ngay tối hôm đó thông báo quyết định mời tôi vào làm với mức lương 150 ngàn đô-la/năm chưa kể thưởng.
Theo Vietnamnet

Những câu "ngớ ngẩn" mẹ thường nói với con khi nóng giận

Hãy thử xem bạn có nói với con những câu "ngớ ngẩn" nào dưới đây không nhé?

Khi có con, đôi khi trong lúc nóng giận bạn thường có có xu hướng nói những điều bạn không bao giờ thưc hiện được. Và một lúc nào đó bạn sẽ nghĩ đó là những câu nói ngớ ngẩn và vô nghĩa nhất bạn đã từng nói. Tuy nhiên, và lúc nóng giận, bạn vẫn lại “thốt” ra được. Hãy thử xem bạn có nói với con những câu nào dưới đây không nhé?
Những câu ngớ ngẩn mẹ thường nói với con khi nóng giận 1
1. “Nếu con không đi giày là mẹ sẽ bỏ con lại và đi trước đó?”.
Thực tế: Bạn nào có thể bỏ con lại mà đi đâu, có chăng là chạy ra sân sau nhà hoặc chạy vào trong bếp.
2. “Con có muốn mẹ đánh cho một trận không?”.
Thực tế: Bạn đâu muốn đánh và có thể sau đó bạn không đánh.
3. “Nếu con không dừng lại, mẹ sẽ dẫn con về nhà ngay lập tức”.
Thực tế: Khi con mè nheo nơi công cộng, đây chỉ là câu dọa “vô nghĩa” và bạn không thể làm được điều bạn nói ngay lập tức.
4. “Con có 30 giây để dọn dẹp đống đồ chơi này không thì mẹ sẽ ném tất cả vào thùng rác”.
Thưc tế: Ném đồ chơi vào thùng rác là việc “vô bổ” và bạn không hề muốn ném.
5. "Nếu con không ăn, thì bữa sau mẹ sẽ không nấu và cho con ăn thêm bất kì cái gì nữa”.
Thực tế: Bạn không thể đành lòng không cho con ăn những bữa sau.
6. “Mẹ đếm đến 3 là con phải dừng bằng không mẹ sẽ phạt”
Thực tế: Đếm đến 3 rồi mà con vẫn không dừng và bạn cũng không phạt.
7. “Con đang cố tình làm mẹ phát điện lên đấy phải không?
Thưc tế: Bạn đang “điên” lắm rồi mà bạn thừa biết điều đó.
8. “Nếu con không dừng ngay việc nghịch đồ ăn thì mẹ sẽ ném tất cả đi đấy”
Thưc tế: Bạn chỉ có thể đồ ăn mà không thể ném hết chúng đi.
Theo Seatimes

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Bữa ăn khiến cả nhà mê mẩn

Với 130.000 đồng, mình đã nấu cho cả nhà một bữa ăn vô cùng thú vị và hấp dẫn.
DẠ DÀY SỐT DỨA
Bao tử heo mua về bóp sạch với muối và chút dấm trắng cho hết nhớt, rửa sạch lại với nước rồi đem chần với nước đun sôi. Me ngâm nước rồi lọc bỏ bã, lấy phần nước sệt để làm sốt. Dứa rửa sạch, xắt miếng vừa ăn.
Đặt chảo lên bếp, thêm dầu ăn và phi thơm hành tỏi băm nhuyễn, sau đó cho dứa vào xào trong khoảng 1 phút. Tiếp tục cho bao tử đã thái miếng vào xào. Thêm tương cà chua, sốt me, đường, muối vừa ăn và đảo nhanh tay để các gia vị ngấm đều. Khi ăn rắc thêm chút hạt tiêu, rau mùi tùy thích.
bữa tối, nộm
CANH RONG BIỂN NẤU TÔM
Tôm khô rửa sạch, ngâm nước cho mềm rồi đem giã nhuyễn. Đầu, râu tôm rửa sạch, xay nhuyễn, lọc lấy nước dùng. Đậu phụ xắt nhỏ vừa ăn, rong biển rửa sạch vắt ráo nước.
Cho tôm khô vào nồi nước dùng, nêm nếm gia vị vừa miệng, đun sôi. Thả đậu phụ vào nồi. Sau đó cho rong biển vào nồi, để nồi canh sôi trở lại thì tắt bếp, thêm 1 muỗng canh dầu mè vào và khuấy đều rồi tắt bếp.
bữa tối, nộm
NỘM LƯỠI HEO
Lưỡi heo mua về, các bạn rửa sạch. Bắc 1 nồi nước sôi nóng già, sau đó thả lưỡi vào ngâm trong khoảng 15-20 phút. Cạo sạch màng trắng ở lưỡi, xát lại với muối và đem luộc chín. Hành tây bỏ vỏ, rửa sạch, xắt mỏng, ngâm với đá lạnh để hành hết hăng. Cà rốt bỏ vỏ, rửa sạch, cắt miếng hoặc tỉa cho đẹp, ngâm với chút muối trắng. Lưỡi sau khi chín, vớt ra để nguội rồi thái con chì. Rau gia vị rửa sạch, thái nhỏ.
Trộn đều lưỡi, hành tây, cà rốt, ớt thái chỉ, rau gia vị với 1 thìa đường, 1 thìa nước cốt chanh, ½ muỗng café mắm, ¼ muỗng café muối (nếu cần), nêm nêm vừa miệng ăn, rắc thêm lạc lên trên nếu thích. Trang trí nộm ra đĩa và thưởng thức.
bữa tối, nộm
GIÁ TIỀN MỖI MÓN ĂN
DẠ DÀY SỐT DỨA
- Bao tử heo: 300gr
- Dứa: 1 quả
- Me: 30gr
- Tương cà chua: 50gr
- Gia vị, dấm, ớt, muối, đường, hạt tiêu…
70.000 đồng
CANH RONG BIỂN NẤU TÔM
- Rong biển: 50gr
- Đậu phụ: 1 bìa (dùng đậu phụ non món canh sẽ càng ngon)
- Tôm khô: vài con
- Vỏ hoặc đầu, râu tôm (nếu có)
- Gia vị: muối, dầu mè.
30.000 đồng
NỘM LƯỠI HEO
- Lưỡi heo: 200g
- Cà rốt: 1 củ
- Hành tây: 1 củ
- Rau gia vị: mùi, thơm, chanh, ớt…
- Gia vị: muối, nước mắm.
30.000 đồng
Tổng: 130.000 đồng, 3 người ăn
Bữa ăn này món nào cả nhà mình cũng thích! Món dạ dày heo giòn giòn sốt với dứa ăn cùng cơm rất tuyệt. Thêm món canh rong biển với tôm nhiều dinh dưỡng vô cùng hấp dẫn. Nộm lưỡi heo giòn giòn ông xã mình rất thích nữa!
(Theo Khám phá)

Quán cà phê bán nước bằng... túi ni lông độc đáo

Khách đến cửa hàng không khỏi thích thú với những món soda đầy màu sắc được đựng trong túi bóng. Nếu dùng không hết, họ có thể kéo khóa kín mang đi đường mà không sợ bị đổ.
Quán cà phê bán nước bằng... túi ni lông độc đáo

Toạ lạc trong một con hẻm nhỏ trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.10), Kohii Coffee tạo ấn tượng dễ gần cho thực khách với vẻ ngoài đơn giản cùng không gian màu trắng sang trọng. Được xây dựng theo mô hình take away, quán chuyên phục vụ các món nước như matcha, latte, đá xay hay soda Ý cùng các món ăn vặt đơn giản như xúc xích, chả giò, pizza khoai tây...
Mới đây, để đa dạng phong cách phục vụ, quán giới thiệu đến thực khách những món nước đựng trong các túi ni lông in hình ngộ nghĩnh.
Để tạo sự khác biệt so với hàng vạn quán cà phê khác của Sài Gòn, Kohii vừa quyết định bán những món nước đựng trong các túi ni lông in hình ngộ nghĩnh. Đây là kiểu túi có nguyên liệu cùng loại với túi dùng để trữ sữa mẹ nên rất an toàn. 
Đó cũng là lý do, với khách dùng món tại chỗ, quán thường phục vụ bằng ly hay đĩa. Tất nhiên, nếu bạn muốn, nhân viên luôn sẵn sàng dọn cho bạn các loại nước uống/thức ăn đựng trong túi ni lông với mức giá không đổi.
Theo chia sẻ của chị Huyền chủ quán, những chiếc túi ni lông sau khi in ấn, có giá thành từ 2.000 - 2.700 đồng/ cái, tuỳ số lượng hình trên bao hay tổng số túi trong một lần in. Giá thành cao gấp 5-6 lần so với túi nhựa trong khi giá các món nước không đổi khiến chị khá băn khoăn về việc giới thiệu đến thực khách của mình. Đó cũng là lý do, quán thường phục vụ bằng ly với khách dùng món tại chỗ. Tuy nhiên, nếu bạn muốn, nhân viên luôn sẵn sàng dọn cho bạn các loại nước uống/thức ăn đựng trong túi ni lông với mức giá không đổi.
Bên cạnh nguyên liệu, sự tiện dụng, tính chất an toàn của loại túi này cũng được đánh giá cao thông qua khoá zip. Kiểu khoá mà dù di chuyển bao lâu, bao xa bằng phương tiện gì, bạn cũng cảm thấy an toàn vì phần nước bên trong không thể tràn ra ngoài.
Loại túi này có thể đựng mọi loại nước, từ matcha, cappuccino, latte, xspresso... đến các món đá xay do quán tự sáng chế như đá xay bánh táo, cà phê, bí ngô.... Bắt mắt nhất là tông màu đỏ, vàng, xanh, tím nhẹ của các món soda. Ngoài màu sắc rực rỡ, hương vị của các món soda tại đây cũng được đánh giá cao. Bạn có thể thử vị ngọt thanh thoảng hương thuốc Nam trong món soda lá phong; hoặc vị chua nhẹ, mát lạnh của miếng đào tươi trong soda đào; hay vị tươi mát, sảng khoái trong soda biển xanh.
Điểm trừ là do kích thước túi khá lớn, khoảng 0,5l trong khi một phần nước phục vụ tại quán dao động từ 330 - 380ml. Để khắc phục tình trạng này, khi pha chế, phục vụ sẽ hỏi bạn muốn cho nhiều đá vào bao hay không? Bạn nên cân nhắc điều này, bởi nếu thêm đá, món nước yêu thích của bạn sẽ có vị nhạt hơn thông thường.

Kích thước túi khá lớn, khoảng 0,5l. Trong khi đó, một phần nước phục vụ tại quán dao động từ 330 - 380ml. Để khắc phục tình trạng nước trong túi quá ít, khi pha chế, nhân viên phục vụ sẽ hỏi bạn muốn cho nhiều đá vào bao hay không. Bạn nên cân nhắc điều này, bởi nếu thêm đá, món nước yêu thích của bạn sẽ có vị nhạt hơn thông thường.
Ngoài dùng để đựng nước, quán cũng dùng loại túi này để đựng các món ăn vặt bán tại quán.

Ngoài việc dùng để đựng nước, quán cũng sử dụng loại túi này để đựng các món ăn vặt bán tại quán. Món xúc xích chiên trong túi ni lông vừa sạch sẽ, vừa gọn cho trong việc bỏ vào túi xách mang về nhà, hay đến chỗ hẹn cùng bạn bè. Không chỉ vậy, loại túi này còn giữ nóng xúc xích trong khoảng 30 - 40 phút. Điều này giúp bạn cảm nhận trọn vẹn vị ngon của món ăn ở bất kỳ đâu. 
Ngoài xúc xích, chả giò chiên hay cá viên, bò viên cũng là các món quà vặt được yêu thích tại quán. Địa chỉ: Kohii Coffee, 285/44 Cách Mạng Tháng Tám, P. 12, Q. 10, TP. HCM. 
Huỳnh Hằng - Ảnh: Zen Nguyễn    Theo: zing.vn